Bài viết

Đồng hành cùng con – hiểu và yêu thương

Hè đến rồi, nên mình mua vài cuốn truyện để cùng đọc cho 2 bạn nhỏ nhà mình. Trong đó có cuốn Totochan bên cửa sổ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko, đây là cuốn sách rất hay và nổi tiếng tại Nhật Bản kể về cô bé Totochan và ngôi trường kỳ lạ với những toa xe điện cũ kỹ – trường Tomoe. Totochan mới chỉ học lớp một thôi mà đã bị đuổi học vì em quá hiếu động. Nhưng thật may mắn cho cô bé, khi có gia đình thấu hiểu và mẹ đã chuyển Totochan đến ngôi trường Tomoe đặc biệt này.

Nhà mình mới chỉ đọc vài trang đầu, nhưng 2 bạn nhỏ Bin Bông có vẻ thích thú và cười ngặt nghẽo, đặc biệt là đoạn mở – đóng nắp đậy của cái bàn mà theo như lời cô giáo thì bạn Totochan mở cũng trăm lần, mời cả nhà cùng đọc đoạn trích:

Thưa bà, trước hết là chuyện em ấy cứ mở và đóng nắp bàn hàng trăm lần. Tôi có dặn là không em nào được mở và đóng nắp bàn trừ phi phải lấy ra hoặc cất đi một cái gì đó. Thế là con gái bà luôn tay lấy cái này ra, cất cái kia vào – lấy ra hoặc cất vào quyển vở, hộp bút chì, những cuốn sách giáo khoa và những thứ lặt vặt khác của em ấy. Ví dụ khi cả lớp viết bảng chữ cái, con bà mở nắp bàn lấy vở ra rồi đóng sầm lại. Tiếp đó em lại mở nắp bàn, thò đầu vào, lấy ra chiếc bút chì, rồi lại mau chóng đóng sầm nắp bàn lại, sau đó viết chữ “A”. Nếu em viết bẩn hay viết lỗi, em mở ngăn bàn, lấy cái tẩy ra đóng nắp bàn lại, tẩy chữ đó, rồi lại mở và đóng nắp bàn cất tẩy vào – tất cả các động tác diễn ra rất nhanh. Khi em viết xong chữ “A”, em đặt từng thứ một vào trong ngăn bàn. Em cất bút chì xong, đóng nắp bàn lại, liền đó lại mở nắp bàn để cất quyển vở vào. Khi viết đến chữ khác, em lại lặp lại từ đầu tất cả – trước tiên là quyển vở, rồi đến cái bút chì, đến cái tầy – mở và đóng nắp bàn với từng thứ một. Những động tác đó làm đầu óc tôi quay cuồng. Và tôi cũng không thể trách em được vì mỗi lần em mở hay đóng nắp bàn đều có lý do cả!

****

Sau khi đọc xong đoạn trích trong cuốn truyện Totochan bên cửa sổ ở trên, mọi người cảm thấy thế nào ạ?

  1. Cô bé hiếu động quá, bị đuổi khỏi trường là đúng rồi.
  2. Cười vui vẻ vì cảm thấy cô bé Totochan rất đáng yêu
  3. Không có cảm giác gì cả, bình thường

Nếu bạn chọn B, thì theo cá nhân mình bạn nghiêng về xu hướng thấu hiểu và chấp nhận CÓ MỘT ĐỨA TRẺ như bạn Totochan. Trong thực tế, nếu bạn đã có gia đình và có con thì bạn dường như thấu hiểu và chấp nhận bản thân đứa trẻ như nó chính là. Bạn chấp nhận con bạn là đứa con hơi ốm ốm nhưng nhanh nhẹn, bạn chấp nhận con bạn hơi chậm một chút nhưng làm gì cũng kiên trì, …

Trên đây chỉ là trắc nghiệm vui, không có đúng hoặc sai nên các bạn hoan hỉ nếu nó hơi vô lý nhé. Nhưng qua đây, mình muốn nhấn mạnh rằng: việc chấp nhận tính khí, đặc điểm của conviệc hiểu về cách trẻ nghĩ, cảm nhận theo từng giai đoạn phát triển của trẻ chính là tiền đề quan trọng cho việc nuôi dạy và đồng hành cùng con.

Chẳng hạn, có bạn nhỏ thích vận động: leo trèo, chạy nhảy,… nhưng cũng có bạn không ưa thích vận động mà thích các hoạt động tĩnh lặng như đọc sách, ngắm hoa,… Có bạn sẽ thích nghi nhanh chóng với nơi ở mới, bạn mới, hay trường mới, nhưng có những bạn có tính thích nghi chậm hơn, cần phải có thời gian làm quen rồi bạn ấy mới hòa đồng được với môi trường và mọi người mới xung quanh,…

Với việc hiểu về cách trẻ nghĩ và cảm nhận theo từng giai đoạn độ tuổi sẽ giúp bố mẹ dễ dàng hơn khi tương tác với trẻ. Chẳng hạn như khi các bạn ở giai đoạn từ 0-12 tháng tuổi, lúc này các bạn nhỏ cảm thấy lạ lẫm với thế giới, rất dễ hoảng sợ và hay khóc nếu như không thấy ai bên cạnh, vì vậy trong giai đoạn này việc âu yếm, vuốt ve, tạo cảm giác an toàn cho trẻ là một điều hết sức cần thiết. Với trẻ từ 1-2 tuổi, trẻ thích thú với sự khám phá, tò mò, thích chạm, nếm mọi thứ… vì vậy, nếu bạn hiểu giai đoạn này của trẻ thì nếu lỡ trẻ có lỡ tay làm vỡ đồ thì bạn cũng bớt đi sự cáu gắt. Ngoài ra, với giai đoạn này thì trẻ bắt đầu biết nói “không”. Biết nói “không”, không có nghĩa là chống cự lại bạn hay không vâng lời mà là trẻ đang thử nghiệm về sức mạnh của ngôn ngữ và đang cố gắng nói với bạn trẻ cảm thấy như thế nào…

Khi đã thấu hiểu rồi bạn sẽ yêu thương con một cách vô điều kiện, chẳng cần bạn phải nóng giận hay phát điên khi trẻ làm những trò nghịch ngợm mà mình không vừa ý… Nhà mình có 2 bạn nhỏ, giới tính lại khác nhau nữa nên mình hiểu rất rõ về sự khác nhau về tính cách của các bạn ấy. Một bạn thì có xu hướng hướng ngoại nhiều hơn, thích những nơi ồn ào, nhộn nhịp, thích có nhiều bạn bè,… Trong khi đó, bạn còn lại thì có xu hướng hướng nội nhiều hơn, thích các hoạt động nhẹ nhàng yên tĩnh như ngắm hoa, ngại tiếp xúc với người lạ, thích ngồi yên bên mẹ hơn là phải cùng chơi với quá nhiều bạn,… Mình cứ nương theo đặc điểm của hai bạn để mà đồng hành thôi.

Mình từng đọc ở đâu đó những lời khuyên về ranh giới bố mẹ nên vạch ra theo sự thấu hiểu từng giai đoạn phát triển của trẻ như sau, hy vọng nó cũng sẽ bổ ích với bạn.

  • Hãy ôm ấp da tiếp da, đừng rời xa con – thời kỳ thơ ấu.
  • Buông dần da tiếp da, nhưng đừng rời tay con – thời kỳ trẻ thơ (1 đến 3 tuổi)
  • Buông dần tay con ra, nhưng đừng rời mắt khỏi con – thời kỳ thiếu nhi (3 đến 7 tuổi)
  • Buông dần ánh mắt khỏi con, nhưng đừng rời tâm con – thời kỳ thiếu niên (7 đến 18 tuổi).

***

Khi đọc câu chuyện Totochan bên cửa sổ này, mình lại nhớ đến bộ phim rất hay “Cậu bé đặc biệt”, bộ phim của Ấn Độ cũng nói về một cậu bé hiếu động, thích quan sát và ngắm nhìn mọi vật xung quanh, đặc biệt có năng khiếu vẽ rất tuyệt vời. Tuy nhiên, ba mẹ cậu cho rằng như vậy là không tốt, họ chuyển trường để cậu bé có thể cải thiện khả năng đọc cũng như niềm yêu thích đi học của mình. Khi xem phim, mình khóc rất nhiều, đặc biệt là cảnh cậu phải xa gia đình, xa vòng tay yêu thương của cha mẹ để đi đến một ngôi trường mới – nơi được coi là dạy những “thiên tài”. May mắn cho cậu bé, khi gặp được người thầy thấu hiểu và đã kiên nhẫn dạy chữ cũng như phát triển về khả năng hội họa của em.

Hai câu chuyện trên vẫn cùng một thông điệp, đó là hãy xem mỗi đứa trẻ là một thiên thần, bạn sẽ không biết được tiềm năng ẩn sâu bên trong của chúng nếu không thấu hiểu và chấp nhận những đặc điểm riêng chúng. Khi đã thấu hiểu trẻ, thì bạn sẽ yêu thương một cách vô điều kiện rồi từ đó việc truyền đạt cũng như hướng dẫn những kỹ năng trong cuộc sống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Chúc cho mỗi người chúng ta sẽ là những ông bố bà mẹ biết thông thái để đồng hành cùng con được tốt hơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *