Bài viết

Ăn – chỉ đơn giản là ăn

Trước khi đến giai đoạn “Ăn chỉ là ăn” thì gia đình nhỏ của mình “Ăn trong câu chuyện”.

Trộm vía, các bạn nhỏ nhà mình từ xưa đến giờ không ăn với điện thoại hay tivi mà được mẹ tập thói quen ăn uống đàng hoàng từ nhỏ nên cũng đỡ được phần nào. Với những bữa ăn cùng với ông bà thì bình thường, nhưng khi bữa ăn chỉ có 3 mẹ con thì 2 bạn nhỏ (đặc biệt là bạn lớn Bin) thường hay yêu cầu mẹ kể chuyện mới chịu ăn. Câu chuyện kể thì đủ các thể loại, khi thì truyện cổ tích, khi thì chuyện về thời ấu thơ của mẹ, khi là câu chuyện hài hước trong một số tình huống đời thường mà các bạn gặp, vân vân và mây mây,…

học nấu ăn gia đình ở hà nội – disneycooking

Nhưng sau này, khi mình được biết về ăn trong chánh niệm, ăn trong tỉnh thức thì mình đã hướng dẫn các bạn nhỏ của mình thực hiện thông qua các việc rất đơn giản và nhỏ như sau:

Ý thức được mình đang ăn và ăn cái gì?

Biết ơn thức ăn đã nuôi sống mình hằng ngày, biết ơn những nguồn lực giúp mình có thức ăn (như người trồng rau, người đánh bắt cá, người nấu ăn,…)

Nhai kỹ

Trò chuyện vui vẻ, nhẹ nhàng…

  • Ý thức được mình đang ăn và ăn cái gì?

Hướng sự tập trung của các bạn nhỏ vào bữa ăn, và đặt những câu hỏi như con đang ăn món gì đó? Món đó có mặn lắm không? Con thấy canh của mẹ hôm nay như thế nào?

Chính những câu hỏi nhỏ như thế này, nhằm giúp các bạn tập trung hơn vào bữa ăn và cảm nhận thức ăn để trả lời những câu hỏi. Tuy nhiên, có nhiều lúc các bạn không trả lời, thì mình cũng ok, không cần thúc ép gì cả.

  • Biết ơn thức ăn đã nuôi sống mình hằng ngày, biết ơn những nguồn lực giúp mình có thức ăn (như người trồng rau, người đánh bắt cá, người nấu ăn,…).

Vì đã được mẹ hướng dẫn về Lòng biết ơn, nên việc nói lời Cảm ơn trước những bữa ăn với các bạn nhà mình là bình thường. Việc giúp các bé hiểu được giá trị của thức ăn đã giúp nuôi sống cơ thể mình như thế nào sẽ giúp các bé trân trọng thức ăn của mình hơn và luôn cảm thấy may mắn khi mình có thức ăn để ăn mỗi ngày, vì còn có không ít trẻ em trên thế giới đang phải vật lộn với việc thiếu thức ăn, thiếu nước uống… Mình rất ấn tượng và nhiều cảm xúc với video một ông bố mang thức ăn thừa từ nhà hàng về cho vợ và các con ăn (hiện, mình chưa tìm được link, nếu tìm được mình sẽ note vào phần comment bên dưới). Mình đã cho 2 bạn nhỏ nhà mình xem cách đây 2 năm, lâu lâu bạn Bin nhà mình cũng nhớ lại và nói “thấy tội các bạn nhỏ đó mẹ hị”.

Không phải tự nhiên mình có thực phẩm để chế biến thức ăn, để thức ăn được lên bàn ăn phải trải qua nhiều công đoạn. Vì vậy, nhắc cho các bạn nhỏ về sự biết ơn đối với người trồng rau, củ quả, người nuôi gà, biết ơn đối với người đã bán hàng, người đã nấu những bữa ăn mình được ăn,… để các bạn càng trân quý hơn thức ăn mà bạn đang ăn.

  • Nhai kỹ:

Theo các chuyên gia, khi ăn chúng ta nên nhai kỹ từ 20 đến 50 lần trước khi nuốt thức ăn sẽ có rất nhiều lợi ích. Và một trong những lợi ích đó là việc càng nhai kỹ thì sẽ càng kích thích tiết nhiều nước bọt, đồng thời giúp thức ăn trộn đều với dịch dạ dày và dịch mật, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa được tốt hơn. Biết được lợi ích của việc nhai kỹ nên mình thường hay khuyến khích các bạn nhỏ nhai càng nhiều càng tốt.

  • Trò chuyện vui vẻ, nhẹ nhàng,..

Những câu chuyện trong bữa ăn thường là những câu chuyện vui, nhẹ nhàng, không la mắng,.. để các bạn nhỏ thấy được niềm vui trong từng bữa ăn, và sẽ hứng thú hơn với những bữa ăn cùng gia đình.

Trên đây là những gì mà mình đang thực hành và chia sẻ với các bạn nhỏ nhà mình. Tuy nhiên, việc này chỉ thực hành được thành công nếu như đó là bữa ăn chỉ 3 -4 người trong gia đình nhỏ của mình, còn khi ăn với ông bà hay đi ăn với bạn bè, các đám tiệc thì rất khó thực hiện. Ngoài ra, với bản tính “loi nhoi như dòi” của 2 bạn nhỏ thì khó mà ngồi yên trong suốt bữa ăn. Lâu lâu, bạn Bông lại chạy đi cắt giấy hay chạy đi ôm bạn thỏ bông 1 chút, có khi 2 bạn ngồi khều chân qua lại rồi phá lên cười,… là điều bình thường. Tất nhiên, các bạn sẽ được mẹ nhắc nhở để quay trở lại bàn ăn hoặc không được đùa giỡn khi ăn.

Mình viết bài này, trước hết là để suy ngẫm cho chính mình, đặc biệt nhắc nhở mình chú ý thực tập nhiều hơn liên quan đến việc ăn uống này. Mặc dù, không phải hầu hết các bữa ăn, gia đình nhỏ của mình đều thực hiện nhưng với việc gieo vào đầu các bạn nhỏ những thói quen tốt như vậy, mình cảm thấy rất hứng thú. Và sau này, nếu các con có thể hình thành được việc chú tâm cũng như lòng biết ơn với bất cứ điều gì đang làm thì sẽ rất tuyệt vời bởi “chánh niệm cho ta niềm vui trong sáng”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *